Cách làm gỏi ngũ sắc từ thịt gà thừa dịp Tết
Cách làm
1. Sơ chế
Gà luộc còn dư đem xé hoặc thái miếng vừa ăn. Không xé nhỏ quá làm món ăn bị khô. Ướp gà với 1/2 muỗng cà phê bột canh (muối), 1/2 muỗng cà phê hạt tiêu, 1 muỗng cà phê đường, chút nước cốt chanh đảo đều cho thấm vị.
Tùy theo sở thích và nguyên liệu sẵn có mà biến tấu phần rau củ quả cho phù hợp. Đu đủ gọt vỏ, bào sợi. Cà rốt gọt bỏ vỏ, bào sợi. Củ đậu cắt sợi dài. Dưa chuột ngâm nước muối loãng lấy phần vỏ xanh cắt sợi dài hoặc bào sợi tùy chọn. Bắp cải tím cắt lát mỏng ngâm nước đá cho giòn. Lạc rang vàng thơm, xát bỏ vỏ, giã dập sơ.
Pha nước sốt trộn gỏi tỷ lệ 1:1:1 (gồm 3 muỗng canh đường, 3 muỗng canh nước mắm, 3 muỗng canh nước cốt chanh) khuấy cho tan và sanh sánh lại. Sau đó thêm tỏi, ớt bằm nhuyễn. Hành khô phi tăng vị cho món gỏi (tùy chọn).
2. Trộn gỏi gà ngũ sắc
- Cho thịt gà cùng các loại rau củ quả vào âu lớn, rưới nước sốt trộn gỏi vào và trộn dong tay cho thấm đều gia vị. Chắt bỏ nước sốt cho khô ráo, thêm 1/2 lượng rau thơm cùng 1/2 lạc rang giã dập đảo đều.
- Trình bày nộm ra đĩa, rắc thêm lạc rang còn lại lên trên cùng hành phi, rau thơm và lạc rang còn lại lên trên và thưởng thức.
3. Yêu cầu thành phẩm
- Đĩa nộm khô ráo, đủ đầy hương, sắc và vị: Thịt gà trắng thơm, đậm vị, rau củ quả giòn xen kẽ sắc xanh, cam, tím, trắng bắt mắt. Khi ăn cảm nhận vị chua ngọt mặn hài hòa, đưa miệng. Một món ăn tận dụng gà luộc dư lại giúp cân bằng vị cho thực đơn ngày Tết.
Chú ý:
Gà luộc xé miếng vừa ăn, không nên xé nhỏ quá làm gỏi bị vụn và khô.
Nên ướp gà trước cho đậm vị mới ngon rồi trộn cùng rau của quả sau với nước sốt trộn gỏi. khi trộn thì trộn dong tay (không bóp mạnh) làm rau củ quả bị nát nhũn, mất tính thẩm mỹ.
Rau củ quả không gò bó trong khuôn mẫu nào mà tùy theo sở thích và nguyên liệu sẵn có để tùy biến cho phù hợp.