Lẩu cháo chim
Cách làm
1. Chuẩn bị
Chim câu muốn giữ chất bổ và không tanh thì vặt lông, không cắt tiết, rửa sạch, cắt bỏ chân (gây mùi hôi). Gạo tẻ và gạo nếp tỷ lệ 4:1 đem vo sạch, thêm đỗ xanh ngâm nở đãi vỏ, hạt sen (nếu có) cho cháo thêm vị bùi bùi.
Đem thui sơ chim câu để giúp khử mùi hôi và giúp thịt thơm ngon hơn. Sau đó, chặt miếng vừa ăn.
Để thịt chim đậm vị hơn thì phi thơm hành khô, cho chim vào xào sơ, nêm chút mắm, muối, hạt tiêu, hạt nêm cho vừa miệng. Nếu thích vị nhạt tự nhiên thì không xào.
Lẩu cháo chim phù hợp nhúng các loại nấm, rau cải cúc, ngải cứu, tía tô, cải xanh... Các loại rau rửa sạch, vẩy ráo nước. Mua thêm trứng và tim để nhúng lẩu, rửa với nước muối loãng, vớt ra để ráo. Thêm ngô ngọt tùy chọn. Bày rau và trang trí đẹp mắt.
2. Nấu cháo
Xương lợn chần sơ, rửa sạch tạp chất rồi cho vào ninh lấy nước dùng. Thêm phần đầu, cổ, cánh chim đã xào săn cùng gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh (đã ngâm đãi vỏ), hạt sen vào nước hầm xương nấu nhừ. Lẩu cháo thường nấu loãng hơn cháo bình thường chút. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Rắc chút hành phi, hành lá cho thơm.
Hoàn thiện: Cho cháo vào nồi đất hoặc nồi lẩu chống dính để tránh bén nồi. Khi ăn nhúng thịt chim câu, trứng, tim cùng rau và thưởng thức nóng, rắc thêm chút hạt tiêu cho tăng vị ấm nóng. Món này thích hợp trong tiết trời lạnh và giúp giải ngán khi ra Tết, lại đủ đầy dinh dưỡng.
3. Yêu cầu thành phẩm
- Cháo nóng hổi, hơi sánh nhuyễn, dậy mùi thơm. Khi nhúng thịt chim câu có vị ngọt thanh, trứng non bùi bùi, kết hợp cùng các loại rau kích thích vị giác và giải ngán sau Tết rất tốt.
Chú ý:
Nếu không có chim câu thì dùng chim cút, chim ngói hoặc thịt gà đều ngon. Với các loại chim để thơm ngon, giữ chất bổ thì nên làm sạch lông, không cắt tiết, rửa sạch, thui vàng thơm.
Lẩu cháo chim nấu hơi sánh nhuyễn và loãng hơn cháo bình thường. Nên dùng nồi đất hoặc nồi lẩu chống dính để tránh cháo bén gây khê.
Lẩu cháo chim ăn nóng, hợp với rau cải cúc (tần ô), ngải cứu, tía tô, hành phi, hành lá...