Món chè cúng giao thừa đặc trưng ba miền
1. Chè xôi gấc
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Kế Bính, ngày 30 tháng Chạp là ngày Trừ Tịch (có nghĩa trừ hết những điều không may mắn năm cũ để chuyển sang năm mới tốt đẹp). Vì thế cỗ cúng đêm Giao thừa - thời khắc chuyển giao năm này sang năm khác, đêm sang ngày luôn ưu ái gà trống luộc và đĩa xôi gấc hoặc chè xôi gấc.
Màu đỏ của xôi gấc, chè xôi gấc tượng trưng cho một năm mới đủ đầy may mắn, vẹn tròn hạnh phúc. Cách nấu chè xôi gấc khá đơn giản. Tận dụng phần xôi nhão dưới đáy nồi khi đồ xôi, nấu nước đường thốt nốt với lá dứa, chút gừng đập dập cho thơm. Sau đó cho từ từ xôi gấc vào, khuấy đều tan ra rồi nấu lửa nhỏ cho tới khi chè sanh sánh là được. Nếu thích sánh hơn thì hòa chút bột năng thêm vào khuấy đều. Múc ra bát rồi rưới chút nước cốt dừa thưởng thức.
2. Bánh ngào xứ Nghệ
Người xưa có câu ''Đẹp vàng son, ngon mật mỡ'', với người dân xứ Nghệ thì mật mía là thứ đặc sản trời ban với vị ngọt đượm, được dùng nhiều cho nhiều món bánh, thức ăn ngày Tết.
Bánh ngào hình kén tằm, khi ăn cảm nhận vị dẻo mịn quyện vịt ngọt từ mật mía sóng sánh, chút the cay của gừng xua tan cái giá lạnh đêm Giao thừa. Hơn nữa, bánh ngào mang ý nghĩa cầu mong về một năm mới nhiều hanh thông, trọn vẹn.
3. Chè trôi nước miền Nam
Chè trôi nước miền Nam không chỉ xuất hiện trong Tết Hàn thực (mồng 3 tháng 3 âm lịch) mà còn được thêm trong mâm cúng Giao thừa. Với ý nghĩa chè trôi để làm trôi đi những muộn phiền, xui xẻo năm cũ và mở ra năm mới mọi sự hanh thông, phát đạt. Để đa dạng sắc màu, có thể sử dụng bột nếp trộn với các màu tự nhiên như: hoa đậu biếc (xanh dương), gấc (màu cam), bột trà xanh (xanh lá), bột củ dền (màu hồng).
Cách làm tương tự bánh trôi: Chia bột thành các khối đều nhau, cán dẹt rồi cho đường, nhân đậu xanh rồi vê tròn lại, luộc chín vớt ra để riêng. Nấu nước đường, xuống chút bột năng hòa nước vào khuấy tạo độ sánh rồi thêm dừa nạo, gừng cắt sợi rồi múc ra chan vào chè trôi nước. Rưới chút nước cốt dừa tạo vị béo ngậy.