Món trứ danh của Bát Tràng vào dịp Tết
1. Canh măng mực
Cũng giống như cỗ Tết của người Hà Nội, mâm cỗ ở Bát Tràng luôn được các bà, các mẹ chăm chút tỉ mỉ. Bên cạnh các món phổ biến như bánh chưng, gà luộc, miến xào, giò lụa, chả quế... thì không thể thiếu canh măng mực. Món ăn này được ưu ái trong mâm cỗ ông Táo hoặc chiều 30 Tết như một cách xua đi những điều phiền muộn năm cũ, để đón năm mới an lành. Đây là sự kết hợp của hương vị núi rừng và biển cả với nước canh thanh trong, mực mềm ngọt, măng giòn sần sật, vị hài hòa khiến ai một lần thưởng thức đều tấm tắc khen ‘ăn một miếng, nhớ cả đời’.
Cách làm món ăn khá cầu kỳ, nhiều công đoạn. Măng nên chọn măng vầu khô dày, dài gióng, màu vàng ươm rồi đem ngâm nước vo gạo cho mềm, đủ độ để tước thành sợi nhỏ như tăm hương. Mực khô chọn thân trong, mình dày rồi đem ngâm với rượu, gừng giã dập khử mùi. Sau đó, nướng sơ mực cho thơm, dùng chày hoặc búa đập nhẹ để xé cho bông tơi rồi đem sao vàng với chút đường và muối cho đậm vị. Phần nước dùng tận dụng từ nước luộc gà hoặc ninh xương lợn và tôm nõn ninh cho ngọt tự nhiên. Xào măng, mực cho thấm vị rồi thả vào nước dùng, ninh nhỏ lửa tầm 40 - 45 phút là được. Một món ăn thoảng nhìn qua ngỡ đơn giản nhưng lại chất chứa bao tình cảm và tinh túy hương vị đất trời.
Canh măng mực - đặc sản truyền thống Bát Tràng
2. Su hào xào mực
Cùng với canh măng mực, su hào xào mực là món ăn nổi tiếng không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, hiếu hỉ của người dân làng gốm. Hơn nữa lại hợp thời trân (thức ăn theo mùa) vì vào mùa đông - xuân, su hào vào vụ vừa ngọt giòn lại rẻ nữa.
Để có thành phẩm đĩa su hào xào mực nóng hổi, thơm lừng, mực giòn sần sật, không dai hay tanh thì khâu chế biến rất cầu kỳ. Su hào không nạo sợi vì giòn dễ gãy mà phải tước bỏ vỏ, thái lát mỏng rồi thái sợi, thêm chút cà rốt cho tăng màu sắc bắt mắt. Sau đó, ướp su hào với chút muối để tiết ra nước bên trong, rửa sạch nhiều lần, vắt ráo nhằm đảm bảo khi ăn giữ được vị giòn ngon. Mực cũng làm tỉ mẩn không kém như cách làm canh măng mực. Sự kết hợp của mực giòn dai với su hào tươi mát làm nên hương vị khó quên và nét riêng của ẩm thực Bát Tràng.
Su hào xào mực - đặc sản Bát Tràng
3. Nem chim câu
Từng chiếc nem vỏ ngoài vàng ruộm, giòn tan, bên trong nhân mềm ngọt, đặc biệt có vị bùi bùi từ thịt chim cây tạo ấn tượng rất riêng. Đây là một trong các món ăn tiến vua trong mâm cỗ cổ truyền của người dân làng gốm Bát Tràng.
Chim câu sơ chế sạch, lọc lấy phần thịt băm nhỏ. Sau đó kết hợp cùng các nguyên liệu truyền thống như mộc nhĩ ngâm nở thái nhỏ, cà rốt, củ đậu thái nhỏ, vắt ráo nước, miến ngâm mềm và các loại rau thơm tổng hòa. Từng chiếc nem gói vừa vặn, đều tay được rán 2 lần lửa: Lần 1 rán cho nem se mặt, chín 70% thì vớt ra để nguội. Trước khi ăn thì rán lần 2 ở nhiệt to hơn giúp cho nem thoát dầu không bị ngấy và làm vỏ giòn rụm.
Nem chim bồ câu - món ngon Bát Tràng
Bùi Thủy
Tết xông pha 2023 là chuyên mục của VnExpress được xây dựng riêng cho Tết Nguyên đán 2023 nhằm cung cấp những thông tin cập nhật về hoạt động đón Tết trên khắp cả nước. Trở thành nhà tài trợ của Tết xông pha, nhãn hàng nước mắm Chin-Su cá cơm biển Đông Vip mong muốn lan tỏa phần nào hình ảnh Tết cổ truyền Việt Nam tới người tiêu dùng.